CÔNG KHAI SỐ LIỆU VÀ THUYẾT MINH DỰ TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH CẤP TỈNH NĂM 2018 TRÌNH HĐND TỈNH LÀO CAI
Lượt xem: 2412
PHẦN THỨ NHẤT:
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NGÂN SÁCH NĂM 2017

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017 được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tại Kỳ họp thứ 4 và Nghị quyết điều chỉnh tại Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh Khoá XV, Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2017:
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2017, bên cạnh những điều kiện thuận lợi là cơ bản, tỉnh Lào Cai cũng còn không ít khó khăn, tồn tại như sau:
1. Về lĩnh vực thu ngân sách nhà nước:
- Sản xuất công nghiệp chưa ổn định, các nhà máy lớn mới đi vào sản xuất hoạt động chưa hết công suất (DAP, Nhà máy gang thép Lào Cai..); giá thành sản phẩm xuống thấp (phốt pho, DCP,...) giá trị tồn kho nhiều (khoảng 1.412 tỷ đồng).
- Thị trường bất động sản trầm lắng hơn so với năm 2016, nhiều lô đất đấu giá không thành công; công tác triển khai bán đấu giá thu tiền sử dụng đất của một số huyện, thành phố còn chậm.
- Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ theo văn bản số 342/TTg-V.I ngày 7/3/2017 về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo QĐ số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên không triển khai được việc đấu giá, thu ngân sách tiền cho thuê đất và tài sản trên đất đối với các trụ sở cũ.
- Giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn (dự kiến chỉ đạt 89%KH) do hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
- Trong thu ngân sách vẫn còn số nợ đọng thuế lớn.
2. Về lĩnh vực chi ngân sách nhà nước:
- Tiến độ giải ngân XDCB chậm do một số vướng mắc trong thực hiện Luật đầu tư công và các Văn bản hướng dẫn; trong thực hiện Nghị định 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
- Cơ sở vật chất về văn hoá, y tế, giáo dục ở cơ sở nhất là ở vùng cao còn nhiều khó khăn; Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp, vệ sinh môi trường nông thôn chưa được xử lý triệt để. Để khắc phục được những vấn đề này đòi hỏi nguồn ngân sách rất lớn. 
- Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa chú trọng trong việc khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục dự án khởi công mới, quyết toán dự án hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán còn chậm so với quy định.
3. Kết quả đạt được:
Với sự chủ động dự báo tình hình, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đưa ra nhiều chủ trương lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sát thực tế; chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác tài chính ngân sách đạt một số kết quả cụ thể như sau:
- Tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 7.000.000 triệu đồng, bằng 100% dự toán điều chỉnh.
- Năm 2017, cân đối nguồn lực của tỉnh cơ bản đã đáp ứng được các nhiệm vụ chi về:
+ Chi lương, cải cách tiền lương, các khoản có tính chất theo lương.
+ Các chính sách, chế độ của con người do địa phương, trung ương ban hành.
+ Kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, mưa lũ.
+ Kinh phí an sinh xã hội như hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các huyện nghèo và huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao.
+ Chi sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giao thông - vận tải, y tế. 
+ Chi các nhiệm vụ mới phát sinh theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền: các hoạt động của năm du lịch quốc gia; các hoạt động kỷ niệm các sự kiện và các ngày lễ lớn; phòng chống và khống chế, dịch sốt xuất huyết; chính sách chế độ địa phương mới được nghị quyết ban hành,...
- Năm 2017, ngoài việc ban hành kịp thời nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính (trọng tâm là thủ tục hành chính) và ứng dụng công nghệ thông tin trong trong lĩnh vực quản lý công tác tài chính, ngân sách, thu thuế và hải quan, kiểm soát chi tại KBNN; thực hiện các giải pháp tiết kiệm, quản lý tốt các nguồn lực của ngân sách địa phương; thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán; Tỉnh đã cân đối lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, 4 Chương trình, 19 Đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và một số đề án chuyên đề khác.
- UBND tỉnh đã chủ động tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 về kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 về kế hoạch vay và trả nợ chính quyền địa phương năm 2017 tỉnh Lào Cai; Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 về kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tỉnh Lào Cai.
- UBND tỉnh đã xây dựng và quyết định kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2018-2020.
II. VỀ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN
Tổng thu NSNN trên địa bàn đến 30/9/2017 đạt 4.659.909 triệu đồng bằng 97,4% dự toán trung ương giao, bằng 66,6% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 7.000.000 triệu đồng, bằng 146,4% dự toán trung ương giao, bằng 100% dự toán điều chỉnh. Phân tích một số chỉ tiêu thu chủ yếu như sau:
1. Thu nội địa đến 30/9/2017 đạt 3.014.400 triệu đồng bằng 85,6% dự toán trung ương giao, bằng 60,5% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 4.590.000 triệu đồng, bằng 130,3% dự toán trung ương giao, bằng 92,2% dự toán điều chỉnh. Trong đó: thu từ thuế, phí và thu khác nội địa đến 30/9/2017 đạt 2.439.339 triệu đồng bằng 78,7% dự toán trung ương giao, bằng 59,7% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 3.658.000 triệu đồng, bằng 118% so với dự toán trung ương giao, bằng 89,5% dự toán điều chỉnh. Chi tiết một số khoản thu chủ yếu như sau:
- Thu tiền sử dụng đất đến 30/9/2017 đạt 556.967 triệu đồng bằng 139,2% dự toán trung ương giao, bằng 64% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 908.000 triệu đồng, bằng 227% dự toán trung ương giao, bằng 104,4% dự toán điều chỉnh. Số thu này đạt tỷ lệ cao so với dự toán điều chỉnh chủ yếu do thu từ đấu giá quyền sử dụng đất quỹ đất công, bán trụ sở; do thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, truy thu tiền sử dụng đất tại một số dự án đầu tư khu đô thị, số tiền là 44.795 triệu đồng.
- Thu từ doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lý đến 30/9/2017 đạt 420.864 triệu đồng bằng 58,7% dự toán trung ương giao, bằng 60,1% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 700.000 triệu đồng, bằng 97,7% dự toán trung ương giao, bằng 100% dự toán điều chỉnh. 
- Thu từ doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý đến 30/9/2017 đạt 61.598 triệu đồng bằng 36,7% dự toán trung ương giao, bằng 44% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 75.000 triệu đồng, bằng 56,5% dự toán trung ương giao, bằng 67,9% dự toán điều chỉnh. Số thu từ khu vực này đạt thấp so dự toán giao chủ yếu do hầu hết các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý đã được cổ phần hóa, việc theo dõi số thu, nộp chuyển sang lĩnh vực khác. Số thu thuế của 11 doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển ra khỏi khu vực doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý là 81.300 triệu đồng (năm 2016 khu vực này nộp ngân sách là 134.800 triệu đồng).
- Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến 30/9/2017 đạt 223.616 triệu đồng bằng 98,1% dự toán trung ương giao, bằng 89,4 dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 250.000 triệu đồng, bằng 109,7% dự toán trung ương giao, bằng 100% dự toán điều chỉnh. 
- Thuế bảo vệ môi trường đến 30/9/2017 đạt 129.599 triệu đồng bằng 64,8% dự toán trung ương giao, bằng 58,9% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 200.000 triệu đồng, bằng 100% dự toán trung ương giao, bằng 90,9% dự toán điều chỉnh. Số thu từ khu vực này đạt thấp so dự toán điều chỉnh chủ yếu do doanh số phát sinh tiêu thụ xăng, dầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lào Cai không đạt như kế hoạch.
- Thu lệ phí trước bạ đến 30/9/2017 đạt 130.604 triệu đồng bằng 65,3% dự toán trung ương giao, bằng 57,2% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 168.000 triệu đồng, bằng 84% dự toán trung ương giao, bằng 76,3% dự toán điều chỉnh. Số thu từ khu vực này đạt thấp so dự toán điều chỉnh chủ yếu do lượng giao dịch mua bán ô tô, xe máy, bất động sản trên thị trường tỉnh đã ổn định và có xu hướng giảm mạnh.
- Thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đến 30/9/2017 đạt 593.961 triệu đồng bằng 77,6% dự toán trung ương giao, bằng 52,5% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 1.005.000 triệu đồng, bằng 131,3% dự toán trung ương giao, bằng 88,8% dự toán điều chỉnh. Số thu từ khu vực này đạt thấp so dự toán điều chỉnh chủ yếu do nợ thuế XDCB của một số dự án đầu tư; do chưa có giải pháp căn cơ trong quản lý thu thuế qua hình thức khoán.
- Thu phí, lệ phí đến 30/9/2017 đạt 371.077 triệu đồng bằng 123,7% dự toán trung ương giao, bằng 66,4% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 492.000 triệu đồng, bằng 164% dự toán trung ương giao, bằng 88% dự toán điều chỉnh. Thu phí, lệ phí đạt thấp so với dự toán điều chỉnh chủ yếu do thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khác trong khu vực cửa khẩu đạt thấp so với kế hoạch (hoạt động tại các khu vực cửa khẩu bị phụ thuộc nhiều vào chính sách điều hành xuất nhập khẩu biên mậu của Chính phủ Trung Quốc).
- Thu cấp quyền khai thác khoáng sản đến 30/9/2017 đạt 186.108 triệu đồng bằng 72,7% dự toán trung ương giao, bằng 72,7% dự toán điều chỉnh.Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 220.000 triệu đồng, bằng 85,9% dự toán trung ương giao, bằng 85,9% dự toán điều chỉnh. Số thu từ khu vực này đạt thấp so dự toán điều chỉnh chủ yếu do Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt nợ ngân sách. Hiện nay, Công ty mới nộp ngân sách 99.000 triệu đồng, còn nợ 103.000 triệu đồng.
2. Thu thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu: đến 30/9/2017 đạt 1.250.487 triệu đồng bằng 99,2% dự toán trung ương giao, bằng 80,7% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 1.650.000 triệu đồng, bằng 131% dự toán trung ương giao, bằng 106,5% dự toán điều chỉnh.
  3. Thu để lại quản lý qua ngân sách nhà nước: đến 30/9/2017 đạt 395.022 triệu đồng bằng 84% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 760.000 triệu đồng, bằng 161,7% dự toán điều chỉnh. Khoản thu này đạt cao chủ yếu do ghi thu – ghi chi thêm vào ngân sách theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với một số dự án đầu tư khu đô thị, số tiền là 206.000 triệu đồng. Theo quy định của Luật NSNN, các địa phương, đơn vị sẽ tiếp tục hạch toán ghi thu - ghi chi vào ngân sách năm 2017 trong những tháng cuối năm và trong thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách (Quý I/2018).
III. VỀ THU NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Tổng thu ngân sách địa phương đến 30/9/2017 đạt 9.277.563 triệu đồng bằng 98,8% dự toán trung ương giao, bằng 73,3% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 12.800.000 triệu đồng, bằng 136,3% dự toán trung ương giao, bằng 101,2% dự toán điều chỉnh, gồm:
1. Thu từ thuế, phí và các khoản thu khác từ nội địa: đến 30/9/2017 đạt 2.126.640 triệu đồng bằng 76,6% dự toán trung ương giao, bằng 60,6% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 3.341.137 triệu đồng, bằng 120,3% dự toán trung ương giao, bằng 95,3% dự toán điều chỉnh. Thu ngân sách địa phương từ thuế, phí và thu khác không đạt dự toán do một số lĩnh vực, khoản thu không đạt dự toán như đã phân tích ở trên.
2. Thu tiền sử dụng đất: đến 30/9/2017 đạt 556.967 triệu đồng bằng 139,2% dự toán trung ương giao, bằng 64% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 1.100.000 triệu đồng, bằng 908% dự toán trung ương giao, bằng 227% dự toán điều chỉnh, bằng 104,4% dự toán điều chỉnh.
3. Thu bổ sung cân đối của NSTW: đến 30/9/2017 đạt 3.352.444 triệu đồng bằng 75% dự toán trung ương giao, bằng 75% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 4.469.925 triệu đồng bằng 100% dự toán trung ương giao, bằng 100% dự toán điều chỉnh.
4. Thu bổ sung từ NSTW thực hiện chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới: đến 30/9/2017 đạt 114.551 triệu đồng bằng 100% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 114.551 triệu đồng bằng 100% dự toán điều chỉnh.
5. Thu huy động đầu tư từ nguồn vốn vay lại chính phủ vay nước ngoài ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 15.841 triệu đồng, bằng 36,5% dự toán điều chỉnh.
6. Thu chuyển nguồn năm 2016 săng năm 2017: đạt 1.401.119 triệu đồng. Chi tiết nội dung, kinh phí chuyển nguồn đã được UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh Khóa XV tại Kỳ họp thứ 4.
7. Thu bổ sung thực hiện các chương trình, mục tiêu, dự án: đến 30/9/2017 đạt 1.330.820 triệu đồng bằng 76,3% dự toán trung ương giao, bằng 75% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 1.789.427 triệu đồng bằng 100,8% dự toán trung ương giao, bằng 100,6% dự toán điều chỉnh.
8. Thu để lại quản lý qua ngân sách: đến 30/9/2017 đạt 395.022 triệu đồng bằng 84% dự toán điều chỉnh. Ước thực hiện đến hết năm 2017 đạt 760.000 triệu đồng bằng 161,7% dự toán điều chỉnh.
IV. VỀ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG:
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 12.638.000 triệu đồng, bằng 138,7% dự toán trung ương giao, bằng 101,2% dự toán điều chỉnh, gồm:
1. Chi đầu tư phát triển ước đạt 1.873.330 triệu đồng, bằng 228,3% dự toán trung ương giao, bằng 91,9% dự toán điều chỉnh.
2. Chi thường xuyên ước đạt 7.497.380 triệu đồng, bằng 116,6% dự toán trung ương giao, bằng 106,2% dự toán điều chỉnh. Các khoản tăng chi chủ yếu là chi thực hiện cải cách tiền lương và tăng lương thường xuyên của cán bộ CCVC; chi sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản;... và chi các nhiệm vụ mới phát sinh theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
3. Chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay: 964 triệu đồng.
4. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 1.100 triệu đồng. 
5. Chi các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án, mục tiêu, nhiệm vụ khác từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương 2.470.226 triệu đồng, gồm:
- Chi chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 422.962 triệu đồng.
- Chi chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 218.581 triệu đồng.
- Chi chương trình mục tiêu, dự án, nhiệm vụ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 1.828.683 triệu đồng.
6. Chi quản lý qua ngân sách 795.000 triệu đồng.

PHẦN THỨ HAI:
DỰ TOÁN THU NSNN TRÊN ĐỊA BÀN, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHÂN BỔ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH TỈNH NĂM 2018

Dự toán năm 2018, UBND tỉnh xây dựng dựa trên kết quả thảo luận dự toán giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với địa phương. Sau khi có số liệu chính thức theo Nghị quyết của Quốc hội, nếu có thay đổi, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh số liệu báo cáo gửi HĐND tỉnh theo quy định.
Căn cứ mục tiêu các nghị quyết, chương trình, quyết định của Trung ương đã hoạch định trên địa bàn: Các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 30a của Chính phủ; định hướng phát triển "Hai hành lang, một vành đai" của Chính phủ; Căn cứ Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Thông tư số 71/2017/TT-BTC ngày 13/7/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Căn cứ Quyết định số 2309/QĐ-TTg ngày 29/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Căn cứ Quyết định số 2577/QĐ-BTC ngày 29/11/2016 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018; Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương về các đơn vị sự nghiệp công lập, về các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp,...; Căn cứ tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo HĐND tỉnh Khóa XV, Kỳ họp thứ 5 phương án xây dựng dự toán ngân sách năm 2018, cụ thể như sau:

I. DỰ BÁO NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI THU, CHI NGÂN SÁCH NĂM 2018: 
1. Thuận lợi:
- Tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2018 được dự báo tiếp tục xu hướng cải thiện tích cực của năm 2017 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn trong năm 2017, tạo tiền đề thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu.
- Việc ban hành Kế hoạch cụ thể thực hiện 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm giai đoạn 2016-2020 của BCH Đảng bộ tỉnh là căn cứ để các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong năm. Đồng thời tỉnh đã cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách mang tính đồng bộ và toàn diện để thực hiện 4 chương trình, 19 đề án cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.
- Năm 2018 là năm đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện tinh giảm bộ máy, đầu mối, biên chế các cơ quan nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Đặc biệt là năm thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại chi ngân sách.
- Các kết quả và thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2016, 2017 và những năm trước; các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội đã đầu tư, đang phát huy hiệu quả, là tiền đề quan trọng, tạo đà phát triển cho năm 2018 và những năm tiếp theo đặc biệt là trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Các dự án lớn của tỉnh sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai: Sân bay Lào Cai, Sân golf Bát Xát, Công viên vui chơi giải trí thành phố Lào Cai, khu hành chính Sa Pa,...
  2. Khó khăn:
- Việc hội nhập quốc tế sâu của Việt Nam sẽ tạo sự cạnh tranh quyết liệt giữa hàng hoá, nhân lực, dịch vụ trong nước, trong tỉnh với nước ngoài; thuế, các hàng rào kỹ thuật bảo hộ hàng hoá trong nước sẽ giảm xuống. Lào Cai là tỉnh nghèo và là đầu mối giao thương sẽ chịu tác động cạnh tranh rất lớn.
- Trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ thì yếu tố con người là yếu tố hàng đầu, tuy nhiên một bộ phận cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế về năng lực tham mưu, đề xuất và thực thi nhiệm vụ; ý thức trách nhiệm trong công việc chưa cao;... nên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều thay đổi về kinh tế, xã hội và nhận thức. Những vấn đề đó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả cải cách hành chính, tới hiệu quả huy động và sử dụng ngân sách trên các lĩnh vực, gây khó khăn cho công tác tài chính, ngân sách.
- Tỉnh Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo so với mặt bằng chung của cả nước, khó khăn về cân đối ngân sách, đầu tư cho phát triển vẫn cơ bản phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương mà các nguồn vốn này tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là vốn ODA chủ yếu chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, sẽ ảnh hưởng tới thanh toán nợ, khởi công mới các công trình xây dựng cơ bản và hoạt động của các doanh nghiệp (việc làm, tiêu thụ vật tư đầu vào...); cơ sở vật chất nhất đầu tư cho vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (22,91%); nguồn nhân lực ở các thành phần kinh tế còn thiếu và yếu;... Ngoài ra, với việc triển khai các dự án, công trình quan trọng (như dự án đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi Sa Pa, dự án đường tránh QL4D qua thị trấn Sa Pa, nâng cấp đô thị Sa Pa...) sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng khách du lịch cũng như xảy ra các vấn đề phức tạp về giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. 
- Trong những năm qua, mặc dù thu ngân sách liên tục tăng trưởng, nhưng số tăng thu tuyệt đối chưa cao, ngân sách địa phương mới tự cân đối được 30% nhu cầu chi trong cân đối. Đây là khó khăn rất lớn cho việc vừa đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Khoá XV đã nghị quyết vừa phải đảm bảo cân đối ngân sách địa phương. 
II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC, CĂN CỨ XÂY DỰNG, PHÂN BỔ, GIAO DỰ TOÁN:
Năm 2018 là năm thứ 2 của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 tỉnh Lào Cai.
1. Quan điểm chủ đạo: huy động tối đa nguồn lực tài chính, tài sản của địa phương và thu hút đầu tư cho phát triển; quản lý, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn, bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế; ưu tiên đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
2. Căn cứ, nguyên tắc xây dựng dự toán thu - chi ngân sách năm 2018:
2.1. Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn:
Dự toán thu xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện thu ngân sách và loại trừ các yếu tố đột biến tác động đến thu ngân sách năm 2017; dự kiến năng lực thu và các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước năm 2018, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND tỉnh thông qua; phù hợp với định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2018 theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh,... Vì vậy, chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vừa phải đảm bảo tính phát triển nhưng phải đảm bảo bền vững, khả thi.
- Dự toán thu thuế, phí và thu khác (bao gồm cả thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) đảm bảo tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng sắc thuế theo các quy định của pháp luật về quản lý thuế, chế độ thu, trong đó, tính đủ những chế độ, chính sách thu mới được ban hành sửa đổi, bổ sung. 
- Dự toán thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xây dựng trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự kiến tiến độ giao đất có thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá cho thuê đất, hoặc đấu thầu các dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính đủ các khoản thu tiền sử dụng đất được giãn thời hạn nộp ngân sách từ năm 2017 sang năm 2018, các khoản nợ tiền sử dụng đất của các dự án và dân cư. 
- Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu xây dựng trên cơ sở đánh giá tác động đến thu ngân sách thông qua phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới, trong nước và kim ngạch xuất, nhập khẩu các mặt hàng chịu thuế; tác động của biến động về tỷ giá và việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Bộ Tài chính. 
- Dự toán các khoản thu được để lại chi quản lý qua NSNN xây dựng trên cơ sở đánh giá số thực hiện thu năm 2017 dự kiến điều chỉnh các mức thu và những yếu tố dự kiến tác động đến khả năng thu năm 2018 để xây dựng dự toán thu phù hợp.
  2.2. Dự toán chi ngân sách địa phương:
Dự toán chi được xây dựng đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND tỉnh thông qua; phù hợp với định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2018 theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND.
- Dự toán chi NSĐP ưu tiên bố trí trả các khoản nợ đến hạn; bố trí vốn đối ứng các dự án ODA; đảm bảo tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của cán bộ công chức, viên chức và người lao động; đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
- Bố trí dự toán chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp về rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại vốn đầu tư, đảm bảo nguồn trả nợ đầu tư; đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 
- Dự toán chi thường xuyên đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho vận hành, tổ chức bộ máy quản lý của nhà nước; đảm bảo tiết kiệm, hạn chế các khoản chi không thường xuyên và mua sắm chưa thật sự cần thiết để dành nguồn cho chi đầu tư phát triển, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội. 
- Dự toán chi hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc yêu cầu các đơn vị thực hiện lộ trình nâng cao tính tự chủ về tài chính theo các Nghị định của Chính phủ số: 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, 54/2016/NĐ-CP ngày 04/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác,.... Thực hiện nghiêm lộ trình xây dựng giá dịch vụ công.
- Dự toán chi thường xuyên giao cho các đơn vị sự nghiệp bao gồm: chi từ ngân sách cấp và chi từ nguồn thu được để lại đơn vị theo quy định. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập, giá dịch vụ khám chữa bệnh năm 2018 đã được kết cấu đủ các chi phí: Chi phí trực tiếp; Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; Chi phí tiền lương gồm tiền lương ngạch bậc, chức vụ, một số khoản phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập (theo lương cơ sở 1.150.000). Do đó, dự toán 2018 chỉ tính bổ sung từ ngân sách các khoản chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ, bao gồm: Phụ cấp, trợ cấp theo Nghị định 64/2009/NĐ, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nhu cầu kinh phí tăng thêm tương ứng với chi phí tiền lương, phụ cấp lương kết cấu trong giá dịch vụ do tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên mức lương 1.300.000 đồng theo biên chế có mặt tại thời điểm làm dự toán; Các khoản chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ khác như: Hỗ trợ chi phí tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh ngoài buồng bệnh của bệnh nhân, buồng phòng nơi bệnh nhân thực hiện khám bệnh; Chi phí vệ sinh tại các khu vực dùng chung; một số khoản chi phí khác đã kết cấu trong giá nhưng do chi phí để thực hiện lớn cần ngân sách hỗ trợ: Chi phí bảo dưỡng, bảo trì, kiểm định các máy móc trang thiết bị y tế....). Trong quá trình thực hiện dự toán, các cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu tăng thu so với dự toán giao đầu năm 2018 sẽ được để lại dùng để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi thường xuyên hoặc mua sắm, sửa chữa tài sản. 
- Phân bổ nguồn thu tiền sử dụng đất ngân sách huyện được hưởng theo phân cấp:
Các quỹ đất do cấp huyện tự bố trí vốn đầu tư hoặc được đầu tư từ nguồn vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất thì nguồn thu tiền đấu giá cấp quyền sử dụng đất được sử dụng như sau:
+ Hoàn trả các khoản chi phí để tạo ra quỹ đất như: Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chi phí trả lãi hoặc phí tiền vay (nếu có); chi tổ chức đấu giá;
+ Sau khi hoàn trả các khoản chi phí, trích 30% để bổ sung vốn cho Quỹ Phát triển đất;
+ Hoàn trả gốc các khoản vay để đầu tư tạo quỹ đất đến hạn phải trả trong năm;
+ Bố trí 10% số kinh phí còn lại để thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai, đo đạc bản đồ địa chính;
Sau khi chi trả những nội dung trên, số kinh phí còn lại được bố trí cho các công trình, dự án như sau:
+ Bố trí đủ vốn đối ứng cho các công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh + ngân sách huyện; thanh toán cho các công trình xây dựng cơ bản thuộc ngân sách huyện, xã đã quyết toán hoặc có khối lượng hoàn thành chuyển tiếp từ những năm trước;
+ Chi đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng các xã trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
+ Bố trí vốn đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh, xây dựng phòng học; xây dựng, sửa chữa trụ sở và trạm xá xã; hỗ trợ làm nhà văn hoá thôn, bản, cụm dân cư; xây dựng hạ tầng du lịch; kiến thiết thị chính và các công trình phục vụ công cộng; sửa chữa trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp do huyện, thành phố quản lý.
- Dự toán chi từ nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết: Bố trí tối thiểu 60% để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế; 10% cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Các địa phương, đơn vị thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương như sau:
+ Nguồn cải cách tiền lương các năm trước chưa thực hiện hết chuyển sang. 
+ Ngân sách các cấp sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương không kể số thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (cả trong dự toán và tổ chức thực hiện).
+ Thực hiện tiết kiệm 10% số chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương và các khoản chi cho con người theo chế độ). UBND các cấp khi giao dự toán chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị phải xác định cụ thể và giữ lại ngân sách cùng cấp số tiền tiết kiệm 10% để thực hiện cải cách tiền lương.
+ Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2018, riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35%. Số thu được để lại theo chế độ quy định không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước và đã được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí cho hoạt động thu. Ngoài ra, chú ý một số điểm sau:
./ Đối với số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí): 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên số thu được để lại theo chế độ sau khi loại trừ các chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
./ Đối với số thu học phí chính quy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập: 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu học phí (bao gồm cả kinh phí được ngân sách nhà nước cấp bù học phí theo quy định).
./ Đối với số thu từ các hoạt động đào tạo tại chức, liên doanh liên kết, các hoạt động đào tạo khác của các cơ sở đào tạo công lập: 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên số thu từ các hoạt động trên sau khi loại trừ các chi phí liên quan và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định.
./ Đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở y tế công lập: 35% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên số thu sau khi trừ các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ, gồm chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ cho người bệnh; chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ và chi phí tiền lương, phụ cấp.
./ Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của cơ quan, đơn vị: 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu từ các hoạt động trên sau khi loại trừ các chi phí liên quan và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định.
+ Các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu năm 2018 phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị.
- Ngân sách các cấp bố trí dự phòng ngân sách tối thiểu theo mức quy định của HĐND tỉnh. Các cấp ngân sách quản lý chặt chẽ dự phòng ngân sách, chỉ ưu tiên để xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp bách và quốc phòng, an ninh. Dự phòng ngân sách cuối năm còn lại được ưu tiên để thanh toán nợ XDCB. Các huyện, thành phố sử dụng hết dự phòng ngân sách cấp huyện, cấp xã theo nguyên tắc trên, nếu phát sinh nhiệm vụ cấp bách mới đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ.
- Chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ mục tiêu khác: phân bổ ngân sách trên cơ sở quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành và của tỉnh; đảm bảo lồng ghép nguồn lực của Trung ương với nguồn lực của tỉnh để thực hiện các mục tiêu của chương trình, nhiệm vụ gắn với thực hiện 4 chương trình, 19 đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
III. DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN, THU - CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH TỈNH NĂM 2018:
Năm 2018 là năm thứ 2 trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020, tiếp tục thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phân chia các khoản thu; định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách thực hiện theo Nghị quyết số 89/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
1. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn:
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự toán 7.000.000 triệu đồng, bằng 124% so với dự toán Trung ương giao và bằng 100% so với ước thực hiện năm 2017, gồm:
1.1. Thu từ nội địa 5.000.000 triệu đồng, bằng 115,6% so với dự toán Trung ương giao và bằng 108,9% so với ước thực hiện năm 2017, gồm:
- Các khoản thuế, phí và thu khác từ nội địa 4.025.500 triệu đồng, bằng 108,8% so với dự toán Trung ương giao và bằng 110% so với ước thực hiện năm 2017.
- Thu tiền sử dụng đất 950.000 triệu đồng, bằng 158,3% dự toán Trung ương giao và bằng 104,6% so với ước thực hiện năm 2017.
- Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 24.500 triệu đồng, bằng 100% so với dự toán Trung ương giao và bằng 102,1% so với ước thực hiện năm 2017.
1.2. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.600.000 triệu đồng, bằng 121,2% dự toán Trung ương giao và bằng 97% so với ước thực hiện năm 2017.
1.3. Thu để lại quản lý qua ngân sách 400.000 triệu đồng bằng 52,6% so với ước thực hiện năm 2017.
2. Thu ngân sách địa phương:
Tổng thu ngân sách địa phương 11.460.000 triệu đồng, bằng 107,8% dự toán Trung ương giao và bằng 89,5% so với ước thực hiện năm 2017. Các khoản thu ngân sách địa phương bao gồm:
2.1. Thu từ thuế, phí và các khoản thu khác từ nội địa 3.508.657 triệu đồng.
2.2. Thu tiền sử dụng đất 950.000 triệu đồng.
2.3. Thu bổ sung cân đối từ NSTW 4.469.925 triệu đồng.
2.4. Thu bổ sung có mục tiêu từ NSTW 2.029.818 triệu đồng.
2.5. Thu huy động đầu tư từ nguồn vốn vay lại chính phủ vay nước ngoài 101.600 triệu đồng.
2.6. Thu quản lý qua ngân sách 400.000 triệu đồng.
3. Chi ngân sách địa phương: 
Tổng chi ngân sách địa phương 10.299.000 triệu đồng, bằng 106,3% dự toán Trung ương giao và bằng 89,4% so với ước thực hiện năm 2017. Các khoản chi ngân sách địa phương bao gồm:
3.1. Chi đầu tư phát triển 1.820.937 triệu đồng, bằng 129,6% so với dự toán Trung ương giao và bằng 97,2% so với ước thực hiện năm 2017, gồm:
- Chi đầu tư XDCB tập trung 678.810 triệu đồng;
- Chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất 630.607 triệu đồng, gồm: 
+ Ngân sách huyện, thành phố 224.743 triệu đồng.
+ Ngân sách tỉnh 405.864 triệu đồng.
- Chi hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện chính sách bình ổn giá 15.000 triệu đồng.
- Chi trích Quỹ phát triển đất từ nguồn thu tiền sử dụng đất 125.493 triệu đồng.
- Chi từ nguồn thu hoạt động xổ số kiến thiết 24.500 triệu đồng.
- Chi đầu tư từ nguồn tăng thu thuế, phí: 244.927 triệu đồng, gồm:
+ Chi đầu tư từ nguồn tăng thu thuế, phí của ngân sách tỉnh so dự toán trung ương giao: 166.708 triệu đồng.
+ Chi đầu tư từ nguồn tăng thu dự toán năm 2018 so với dự toán đầu năm 2017 của ngân sách huyện: 78.219 triệu đồng.
3.2. Chi thường xuyên 6.890.197 triệu đồng, bằng 97,6% so với dự toán Trung ương giao và bằng 91,9% so với ước thực hiện năm 2017.
3.3. Chi tạo nguồn, điều chỉnh tiền lương 130.000 triệu đồng, bằng 104% so với dự toán Trung ương giao.
3.4. Chi trả lãi, phí tiền vay 2.900 triệu đồng.
3.4. Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính 1.100 triệu đồng.
3.5. Dự phòng ngân sách 190.000 triệu đồng, bằng 2,1% chi cân đối ngân sách địa phương và bằng 111,8% so với dự toán Trung ương giao.
3.6. Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 1.863.866 triệu đồng.
3.7. Ghi chi quản lý qua ngân sách 400.000 triệu đồng.
4. Bội thu ngân sách địa phương: 
 Tổng bội thu ngân sách địa phương là 161.000 triệu đồng dùng để chi trả nợ gốc vay Ngân hàng phát triển Việt Nam, gồm:
- Chi trả nợ gốc vay chương trình kiên cố hoá kênh mương và giao thông nông thôn 154.000 triệu đồng.
- Chi trả nợ gốc vay dự án năng lượng nông thôn ReII: 7.000 triệu đồng.
5. Phân bổ dự toán ngân sách tỉnh:
Tổng chi ngân sách tỉnh 10.250.819 triệu đồng, gồm:
4.1. Các khoản chi cân đối ngân sách 4.337.627 triệu đồng, gồm:
a) Chi đầu tư phát triển 1.404.487 triệu đồng, gồm:
- Chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung 678.810 triệu đồng;
- Chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất 405.864 triệu đồng;
- Chi hỗ trợ các doanh nghiệp và bình ổn giá 15.000 triệu đồng.
- Chi trích Quỹ Phát triển đất 29.175 triệu đồng;
- Chi đầu tư từ nguồn thu hoạt động xổ số kiến thiết 7.330 triệu đồng.
- Chi đầu tư từ nguồn vốn vay lại chính phủ vay nước ngoài 101.600 triệu đồng.
- Chi đầu tư phát triển từ nguồn tăng thu thuế, phí so dự toán trung ương giao: 166.708 triệu đồng.
b) Chi thường xuyên 2.668.839 triệu đồng.
c) Chi tạo nguồn, điều chỉnh tiền lương 130.000 triệu đồng.
d) Chi trả lãi, phí vay 2.900 triệu đồng.
e) Chi bổ sung Quỹ Dự trữ tài chính 1.100 triệu đồng.
f) Dự phòng ngân sách tỉnh 130.301 triệu đồng.
4.2. Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 1.863.866 triệu đồng. 
4.3. Các khoản chi từ nguồn thu để lại quản lý qua ngân sách 400.000 triệu đồng.
4.4. Chi bổ sung ngân sách cho các huyện, thành phố 3.649.326 triệu đồng.
Tổng dự toán chi ngân sách huyện, thành phố năm 2018 là 4.697.507 triệu đồng, gồm: 
- Chi cân đối ngân sách địa phương 2.640.383 triệu đồng;
- Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh 2.057.124 triệu đồng.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. UBND các cấp, cơ quan Thuế, Hải quan và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tăng cường quản lý thu NSNN:
- UBND các huyện, thành phố giao dự toán thu cho các đơn vị, chính quyền cấp dưới phấn đấu tăng tối thiểu 5% so với dự toán UBND tỉnh giao (không kể thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thu quản lý qua ngân sách).
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong quản lý thu, chống thất thu, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.
- Quản lý chặt chẽ các khoản thu, nhất là thu qua hình thức khoán; mở rộng cơ sở thuế (kể cả đối tượng và căn cứ tính thuế); kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hải quan, nhất là những mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao như hàng tạm nhập tái xuất,...
- Tạo mọi điều kiện để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân; hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ thông qua phát triển các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ sự nghiệp công; cơ cấu lại chi ngân sách trong từng lĩnh vực, tập trung đảm bảo cho các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, các chính sách an sinh xã hội, các dịch vụ quan trọng, thiết yếu. 
- Thực hiện tốt công tác thẩm định giá cả hàng hóa, dịch vụ để đẩy mạnh tiết kiệm trong chi tiêu của ngân sách. Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, tài sản không gắn liền với cấu phần XDCB vào dự án đầu tư XDCB để tiết kiệm chi phí quản lý cho ngân sách.
- Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan: phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, cấp dưới; triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế theo Đề án được duyệt gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc. Sở Nội vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ lương, các khoản phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và tổng hợp tình hình chung trên địa bàn toàn tỉnh.
- Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện triệt để việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước cho chi tiêu thường xuyên:
+ Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công. Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài.. Việc tổ chức các hội nghị lớn và các đoàn đi công tác nước ngoài phải được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định. Không tổ chức các hội nghị, hội thảo có nội dung không thiết thực. Chuẩn bị kỹ các nội dung hội nghị, hội thảo và lồng ghép hợp lý các nội dung để rút ngắn thời gian tổ chức. Tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo điều hành và xử lý các công việc.
+ Hạn chế phô trương, hình thức trong tổ chức các lễ tổng kết, đón nhận danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập ngành, lễ ký kết,...
+ Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra xuống cấp dưới phải đảm bảo thiết thực, chuẩn bị chu đáo đề cương, nội dung kiểm tra để hạn chế chi phí đón tiếp của cơ quan, đơn vị cấp dưới.
- Trong năm, không ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau, trừ trường hợp đặc biệt: thiên tai bão lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
3. Xây dựng giải pháp tăng cường quản lý hiệu quả dự án đầu tư từ ngân sách, kiểm soát chặt chẽ tổng mức đầu tư của dự án, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả tài chính của dự án được giao quản lý.
4. Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện các quy định về thu hút các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
5. Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách địa phương để điều chỉnh kịp thời những bất cập. Các cơ quan chủ trì các đề án chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán ngân sách năm 2018 ngay từ đầu năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các đề án, cơ quan chủ trì và cơ quan thành viên chủ động rà soát, lồng ghép tối đa kinh phí đã được giao theo dự toán chi thường xuyên, các chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác để thực hiện các mục tiêu của đề án, giảm nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ.
6. Hạn chế tối đa việc chuyển nguồn ngân sách sang năm sau. Các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố chỉ thực hiện chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện chế độ tiền lương mới, chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học; không kéo dài thời gian thực hiện hoặc chuyển nguồn các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để xảy ra việc chậm thực hiện các dự án, nhiệm vụ dẫn đến phải hoàn trả nguồn vốn cho ngân sách Trung ương.
7. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố và lồng ghép các nguồn lực của ngân sách và nguồn lực ngân sách với nguồn xã hội hóa để đạt hiệu quả cao trong thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia, 4 chương trình - 19 đề án của tỉnh.
8. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công, các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố:
- Đẩy mạnh thực hiện cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đã đề ra.
- Thực hiện lộ trình chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt.
- Hoàn thành việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
9. Mở rộng quy mô, quản lý, sử dụng hiệu quả các quỹ tài chính của tỉnh để tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong quý I/2018, các quỹ: Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Quỹ Bảo vệ tài nguyên môi trường, Quỹ Bảo trì đường bộ, và các cơ quan liên quan báo cáo UBND tỉnh kết quả hoạt động năm 2017 và kế hoạch hoạt động năm 2018. Trong đó lưu ý đánh giá những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài chính, phân phối thu nhập,... của các Quỹ và những giải pháp khắc phục bất cập đó. 
10. Tăng cường thực hiện chế độ công khai tài chính, ngân sách đầy đủ đối với tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Tăng cường thực hiện Quy chế tự kiểm tra của các tổ chức, các đơn vị. Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập