Sở Tài chính trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai.
Sở Tài chính có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính; ngân sách nhà nước; thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; tài sản nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; kế toán; kiểm toán độc lập; giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương theo quy định của pháp luật.
19 năm qua, Sở Tài chính cùng với các đơn vị trong ngành luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 |
Sở Tài chính đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng dự toán ngân sách để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định giao dự toán. Đồng thời, chủ động đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện thắng lợi dự toán ngân sách hàng năm cũng như mục tiêu ngân sách từng nhiệm kỳ. Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và nuôi dưỡng các nguồn thu. Số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều tăng trưởng với tỷ lệ cao, số thu ngân sách năm 2010 vượt trên 40% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIII đã đề ra, gấp 44 lần so với năm 1992, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm của giai đoạn 2006 - 2010 đạt trên 21%. Các khoản thu từ thuế, phí và thu khác từ kinh tế địa phương tăng trưởng mạnh, tỷ trọng so với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ngày càng tăng lên (từ 31% năm 2005 lên 42% năm 2010), thể hiện sự phát triển của nền kinh tế địa phương và tính bền vững của nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài như: nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn của các doanh nghiệp, nguồn vốn nước ngoài (ODA, FDI)... phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ động tham mưu với HĐND và UBND tỉnh cân đối nguồn lực và ban hành được nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, thực sự có hiệu quả. Chi ngân sách hàng năm đều tăng trưởng với tốc độ cao, đảm bảo phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung cho xoá đói, giảm nghèo; giải quyết lao động, việc làm; phát triển vùng cao, vùng kinh tế trọng điểm; ưu tiên cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội... theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIII. Thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước trên địa bàn và có nhiều cải cách hành chính trong công tác quản lý ngân sách như: tham mưu với HĐND và UBND tỉnh tăng cường phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách cho cơ sở; thực hiện công khai tài chính - ngân sách của các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo đúng quy định, phát huy dân chủ và minh bạch trong lập, quyết định, phân bổ dự toán và quyết toán ngân sách. Công tác quản lý tài chính - ngân sách ngày càng được cải tiến, quy trình thu - chi ngân sách rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong quá trình thu nộp, sử dụng ngân sách.
Để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài ngân sách; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục làm tốt công tác quản lý, khai thác và nuôi dưỡng các nguồn thu từ nội lực nền kinh tế của tỉnh. Ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương và nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động các quỹ tài chính của tỉnh như: Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất... Thông qua hoạt động của các quỹ tài chính này sẽ huy động mạnh nguồn lực từ đất và các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên: khoáng sản, thuỷ điện, đất đai theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch, phát triển kinh tế đồng thời với bảo vệ và cải thiện môi trường. Trong đó, tăng cường chế biến sâu đối với các tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao và có lợi thế của tỉnh như: đồng, sắt, apatít... Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn mới...
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về xã hội hoá cho phù hợp với những quy định mới của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá - thể thao, khoa học - công nghệ và môi trường.
Tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển thị trường tài chính - tiền tệ trên địa bàn tỉnh. Tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Trung ương, đây là một nguồn lực hết sức quan trọng, không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới của tỉnh. Cần phải làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, đồng thời quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương. Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính - tín dụng quốc tế như: WB, ADB, AFD, JICA...; chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để huy động tốt nguồn lực từ các kênh này.
Xác định rõ quan điểm về phân bổ ngân vốn của ngân sách trong giai đoạn tới là: Tập trung các nguồn vốn nhà nước cho xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện xoá đói, giảm nghèo, giải quyết lao động - việc làm, phát triển vùng cao, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu kinh tế trọng điểm; ưu tiên cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá, y tế và giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.
Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh cải cách tài chính công, công khai minh bạch, hiện đại hoá công nghệ quản lý, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý tài chính - ngân sách. Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, thanh tra, giám sát tài chính theo quy định của pháp luật.