BỘ TÀI CHÍNH GIẢI ĐÁP TÌNH TRẠNG ÙN TẮC HÀNG HÓA TẠI CỬA KHẨU BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
(eFinance Online) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có ý kiến về tình hình giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc tại các Thông báo trước đây. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định đối với các hành vi lợi dụng tình trạng ùn tắc hàng hóa để vi phạm pháp luật.
Ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Ảnh minh họa - nguồn: internet.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu mà theo số liệu tổng hợp và đánh giá thì tập trung chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Cụ thể, tại Lạng Sơn vẫn duy trì thông quan hàng hóa tại 04 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma và cửa khẩu phụ Tân Thanh. Đối với các cửa khẩu khác, hiện nay phía Trung Quốc vẫn chưa thông quan trở lại. Phía Trung Quốc vẫn duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt nhưng hiệu suất thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã tăng hơn so với thời gian trước. Hàng hóa thông quan trung bình chỉ khoảng 400-500 xe/ngày, trong đó hàng hóa xuất khẩu chỉ khoảng 100 xe và 400-500 xe hàng nhập khẩu.
Tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 03 khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến 08h00 ngày 21/02/2022 là 1.966 xe (tăng 13 xe so với ngày hôm trước liền kề); trong đó, lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 1.509 xe, chiếm gần 80% tổng lượng xe chờ xuất khẩu.Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hoá mới từ nội địa lên trong vòng 24h qua là: 66 xe (linh kiện điện tử, quần áo, ván bóc).
Với tình hình lưu lượng hàng hóa từ các tỉnh tiếp tục lên cửa khẩu chờ xuất khẩu và năng lực thông quan như trên dự báo sẽ gây ùn ứ lớn tại các bến bãi, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu, cụ thể: Tạm thời tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 16/02/2022 cho đến hết ngày 25/02/2022.
Tại tỉnh Quảng Ninh, tình hình xuất nhập khẩu tại tỉnh Quảng Ninh đã dần khôi phục trở lại trong tháng 01/2022. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tình hình xuất nhập khẩu lại bắt đầu khó khăn do phía Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải và công nhân bốc xếp nên nhiều điểm thông quan hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động được. Theo thông tin từ Ban Quản lý cửa khẩu nhận được thông báo từ phía Cục Thương vụ và quản lý cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc), sẽ tạm dừng thông quan qua Lối mở Cầu phao Km3+4 từ ngày 20/02/2022 để phun khử khuẩn toàn bộ khu vực bãi kiểm hóa Đông Hưng- Trung Quốc (do 01 xe tôm đông lạnh XK có mẫu dương tính SARS-CoV-2), thời gian thông quan trở lại sẽ thông báo sau.
Tính đến thời điểm 22/02/2022 thì tại các địa bàn cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh có 1404 xe tại cửa khẩu Móng Cái (chủ yếu là hàng thủy hải sản đông lạnh với 595 xe; hoa quả tươi 550 xe). Trong ngày 22/2/2022 có 187 xe hàng nhập khẩu và 284 xe hàng xuất khẩu (trong đó 43 xe hoa quả tươi XK, 68 xe sợi XK, 100 xe không hàng Việt Nam sang Trung Quốc lấy hàng, 73 xe Trung Quốc trả hàng xong quay về) qua cửa khẩu Bắc Luân 2.
Tại tỉnh Cao Bằng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian từ ngày 01/02/2022 đến hết 21/02/2022 chỉ diễn ra tại cửa khẩu Tà Lùng. Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu diễn ra bình thường, không phát sinh đột biến về hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hoạt động XNK trong ngày 21/02/2022: Nhập khẩu 06 xe với mặt hàng chủ yếu: than cốc, vải. Xuất khẩu 18 xe với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: sắn, hạt tiêu, cây thạch đen, gỗ ván bóc.
Phương tiện hàng hóa chở hàng xuất nhập khẩu đang lưu giữ tại cửa khẩu Tà Lùng cụ thể như sau: Cửa khẩu Tà Lùng: Xuất khẩu: 120 xe (mặt hàng: tinh bột sắn, gỗ ván ép, cây thạch đen…).
Tại các địa phương khác gần như không có tình trạng ùn tắc.
Bộ Tài chính cho biết, ngày 27/12/2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 350/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến (ngày 27/12/2021) về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao”: “Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng “vùng xanh”, “luồng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới (vùng an toàn dịch bệnh) với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hoà với phía Trung Quốc”.
Ngày 10/01/2022, Văn phòng Chính phủ có công văn số 08/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến (ngày 08/01/2022) về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện 02 nhiệm vụ như sau: Về giải pháp trước mắt (tiết b điểm 1 thông báo): Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) khẩn trương có hướng dẫn cụ thể các quy định, tiêu chuẩn về điều kiện y tế phòng chống dịch COVID-19 hài hoà với phía Trung Quốc (về tiêm vắc xin, xét nghiệm, khử khuẩn…) tại các khu vực cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc, nhất là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.
Về giải pháp lâu dài (tiết a điểm 2 thông báo): Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát hình thức trao đổi cư dân biên giới, đưa hình thức trao đổi cư dân biên giới về đúng bản chất để tăng tỉ lệ xuất khẩu chính ngạch nhằm tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt.
Đối với nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 350/TB-VPCP và điểm (1) nêu tại Thông báo số 08/TB-VPCP: Do mỗi địa phương phía Trung Quốc có quy trình tiêu chuẩn phòng chống dịch khác nhau, nên để đảm bảo việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với từng địa phương phía Trung Quốc, ngày 13/01/2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn số 141/TCHQ-GSQL giao Cục Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa bàn quản lý nghiên cứu, xây dựng “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh) ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngày 27/01/2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn số 930/BTC-TCHQ gửi Bộ Y tế về việc quy định, tiêu chuẩn về điều kiện y tế phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực cửa khẩu biên giới.
Đối với nhiệm vụ nêu tại điểm (2) Thông báo số 08/TB-VPCP: Theo quy định tại Điều 51 Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành thì cơ sở pháp lý về công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới cơ bản đã đầy đủ; thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ có liên quan để thực hiện rà soát chấn chỉnh khi có yêu cầu.
Ngoài ra, ngày 23/9/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có Công hàm gửi đ/c Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong đó có nội dung đề nghị 02 phía tạo thuận lợi và xây dựng các biện pháp hợp tác cụ thể như: Trao đổi thông tin về các quy định thủ tục hải quan của mỗi bên, tiếp cận sớm về những đổi mới trong chính sách, chủ trương về hải quan; trao đổi thông tin trước khi hàng đến; kéo dài thời gian thông quan tại các cửa khẩu quốc gia, song phương, cho phép hàng hóa xuất nhập khẩu và thông quan tại các cửa khẩu song phương phục vụ cho biên mậu Việt - Trung; thiết lập và duy trì các đường đây liên lạc giữa các đơn vị hải quan tại các cặp cửa khẩu.
Ngày 11/02/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có công hàm trả lời Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam. Trong đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhất trí với đề nghị và Hải quan Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Hải quan Việt Nam trong hợp tác xây dựng “Hải quan thông minh, biên giới thông minh, thông quan thông minh” (3 thông minh), sớm hoàn thành việc đàm phán Hiệp định hợp tác, hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan, kịp thời thông báo các thay đổi về chính sách quản lý, thủ tục hải quan, tăng cường trao đổi thông tin tình báo, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác phòng chống buôn lậu, cùng nhau thúc đẩy xây dựng môi trường thương mại an toàn và tạo thuận lợi hóa thông quan của hai nước.
Trên cơ sở đó, thời gian tới Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ nghiên cứu, xem xét khả năng ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa các cặp cửa khẩu biên giới giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa trong tình hình dịch bệnh/tình hình khẩn cấp. Đồng thời, để hỗ trợ, xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc phát sinh trong tháng 12/2021, Bộ Tài chính đã triển khai một số giải pháp để thúc đẩy thông quan nhanh; giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bảo quản hàng hóa thuận lợi, đặc biệt là hàng hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh,…
Một số giải pháp của Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc: Ngày 22/12/2021, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn gửi các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngoại giao và UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai châu về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu giáp phía Trung Quốc. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ và UBND các tỉnh phối hợp triển khai một số giải pháp cụ thể.
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) có các công văn số 6102/TCHQ-GSQL ngày 22/12/2021, số 6140/TCHQ-GSQL ngày 24/12/2021, công văn số 141/TCHQ-GSQL ngày 13/01/2021 chỉ đạo các đơn vị Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy thông quan nhanh; giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bảo quản hàng hóa thuận lợi, đặc biệt là hàng hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh.
Ngày 28/01/2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) có công văn số 375/TCHQ-GSQL đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục hải quan 24/7; chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh để tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, hạn chế ùn tắc trong dịp tết Nguyên đán.
Trong đó, cụ thể các giải pháp nêu tại các công văn dẫn trên như sau: Tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu tại địa bàn (kể cả ngoài giờ hành chính); giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp. Trong trường hợp thay đổi cửa khẩu xuất, thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa hoặc không có nhu cầu xuất khẩu thì hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai sửa đổi, bổ sung hoặc hủy tờ khai hải quan (đối với các trường hợp đã đăng ký tờ khai), đăng ký tờ khai hải quan mới theo quy định để tiếp tục xuất khẩu hoặc đưa trở lại nội địa để tiêu thụ.
Bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm.
Phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an và các cơ quan chức năng khác để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng như hạn chế chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, thương nhân; đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của phía nhập khẩu và tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp. Khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo hồ sơ hải quan điện tử từ chiều hôm trước để đầu giờ sáng hôm sau đã hoàn thiện hồ sơ để thông quan ngay hàng hóa,…
Phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu; cho phép doanh nghiệp gửi hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan cần bảo quản vào các kho lạnh (bao gồm cả kho ngoại quan, kho lưu giữ hàng hóa TNTX đông lạnh) tại khu vực cửa khẩu; trường hợp có thay đổi thông tin hàng hóa so với nội dung khai trên tờ khai hải quan thì hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai sửa đổi, bổ sung theo quy định.
Làm việc với doanh nghiệp có hàng hóa đang ùn tắc tại các cửa khẩu và kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu để xác định nhu cầu lưu giữ hàng hóa chờ xuất khẩu. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu gửi hàng hóa vào kho ngoại quan chờ xuất khẩu thì hướng dẫn chủ kho ngoại quan chia tách khu vực lưu giữ hàng hóa được gửi kho ngoại quan theo quy định và khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu chờ làm thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp bảo quản hàng hóa chờ thông quan, đặc biệt là hàng hóa nông, thủy sản cần phải bảo quản lạnh.
Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn chủ động trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng quản lý tại cửa khẩu của nước CHND Trung Hoa nhằm tăng cường năng lực thông quan, giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc.
Thường xuyên kiểm tra, nắm sát tình hình thực tế, xử lý giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp. Kịp thời báo cáo những vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.
Phối hợp xây dựng cửa khẩu số nhằm ứng dụng công nghệ số hiện đại vào quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại cửa khẩu, công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu thông quan nhanh chóng; tự động giám sát lưu lượng xe trên bản đồ số; tự động hóa quy trình kiểm tra, giám sát qua phân tích dữ liệu khai báo của doanh nghiệp và qua hệ thông camera AI, giảm tác động của con người, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường bộ, bên cạnh phương án do các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động nghiên cứu xây dựng giải pháp hỗ trợ, cảnh báo thông tin ùn tắc của phương tiện và hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Từ ngày 27 tháng 01 năm 2022, Chức năng cảnh báo chống ùn tắc sẽ được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.Theo đó, từ ngày 27/01/2022, doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu và các cơ quan liên quan có thể sử dụng chức năng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để tra cứu lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu; qua đó đưa ra phương án điều tiết, điều chỉnh kế hoạch vận chuyển hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, thực hiện các biện pháp kiểm soát nội ngành, bảo vệ chính trị nội bộ như: Yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ của công chức hải quan; nâng cao công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đảm bảo công chức hải quan không thực hiện, tiếp tay, bảo kê cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp XNK nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, quan tâm các giải pháp tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo công tác quản lý hải quan.
Trong công tác quản lý hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu thì việc thực hiện quản lý phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có sự tham gia trực tiếp của nhiều lực lượng: Ban Quản lý cửa khẩu, Biên phòng, Hải quan,… Việc sắp xếp thứ tự các phương tiện vận tải chuyên chở hàng nông sản xuất khẩu trong khu vực cửa khẩu là do lực lượng Biên phòng và Ban quản lý của cửa khẩu thực hiện, Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện công tác đăng ký tờ khai, thực hiện giám sát hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ nộp duy nhất 01 khoản tiền lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật do Kho bạc nhà nước thu (20.0000 đồng/tờ khai). Theo phân luồng làm thủ tục Hải quan, trên cơ sở các biện pháp quản lý rủi ro trong nghiệp vụ của Hải quan thì hầu hết các lô hàng nông sản xuất khẩu đều thuộc luồng xanh, không phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức hải quan phải thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid - 19 trong khu vực cửa khẩu nên công chức hải quan không tiếp xúc, làm việc trực tiếp với lái xe mà thực hiện thủ tục hải quan với người khai hải quan.
Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, các chi cục hải quan tại các cửa khẩu đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không có việc chỉ đạo, tiếp tay của lãnh đạo, công chức hải quan cho các hoạt động cho các hoạt động “luật ngầm”, chưa phát hiện có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực trong việc xếp “lốt”, chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.